QUÁ TRÌNH CHUYỂN TIẾP

Làm thế nào chúng ta có thể chuẩn bị tốt nhất cho giáo viên và phụ huynh để biết trước việc chuyển tiếp và sẵn sàng cho quá trình chuyển tiếp này khi đứa trẻ sẵn sàng, chứ không phải là khi ban giám hiệu hoặc giáo viên sẵn sàng?

Judith A. Orion

Tôi thường được hỏi về thời gian tối ưu để chuyển trẻ từ lớp Nhà trẻ sang lớp Mẫu giáo. Đó là câu hỏi được đặt ra bởi nhiều trường học, bởi phụ huynh và đặc biệt là thắc mắc của các cô chủ nhiệm lớp Mẫu giáo. Trong những năm qua, tôi đã chứng kiến nhiều trẻ em bị giữ lại quá lâu trong Nhà trẻ chỉ để nhìn những đứa trẻ “bình thường hóa” này suy thoái về trạng thái lệch lạc và sau đó bị coi là “chưa sẵn sàng” để chuyển sang lớp Mẫu giáo.

Làm thế nào chúng ta có thể chuẩn bị tốt nhất cho giáo viên và phụ huynh để biết trước việc chuyển tiếp và sẵn sàng cho quá trình chuyển tiếp này khi đứa trẻ sẵn sàng, chứ không phải là khi ban giám hiệu hoặc giáo viên sẵn sàng?

Giống như mọi quá trình chuyển tiếp, khi có kế hoạch chuẩn bị, khi hành vi của trẻ được quan sát chặt chẽ, khi chúng ta có thể tận dụng chính sách chuyển tiếp linh hoạt cho phép trẻ chuyển đi khi cần thiết, quá trình chuyển tiếp thường diễn ra mà không gặp nhiều phiền toái hoặc khó khăn. Với giả định rằng phụ huynh và các giáo viên có liên quan đã được chuẩn bị đầy đủ cho quá trình chuyển tiếp trước khi bắt đầu.

Nếu chúng ta nhớ rằng đứa trẻ ở cuối tiểu giai đoạn đầu tiên (0 đến 3 tuổi - ND) của giai đoạn phát triển đầu tiên (0 đến 6 tuổi – ND) đang biểu hiện những dấu hiệu của sự chuyển biến từ trí tuệ hấp thu hoạt động vô thức sang trí tuệ hấp thu hoạt động có ý thức, chúng ta có thể quan sát thấy những thay đổi nhất định về thể chất, xã hội và nhận thức ở đứa trẻ. 

Những “dấu hiệu sẵn sàng” này có thể dễ dàng quan sát được bởi một người hiểu rõ về đứa trẻ, người mà có thể quan sát những thay đổi tinh tế trong hành vi.

• Chúng ta quan sát thấy các chu kỳ hoạt động có sự tập trung ở đứa trẻ, đặc biệt là trong các hoạt động dài hơn của đời sống thường nhật.

Chúng ta biết rằng đứa trẻ tự kiến tạo bản thân thông qua công việc độc lập của mình. Chúng ta cũng biết đối với trẻ em ở độ tuổi này, các hoạt động đời sống thường nhật và những hoạt động liên quan đến học cụ ngôn ngữ chính là những học cụ trong lớp Nhà trẻ tạo ra sự tập trung, chu kỳ hoạt động kéo dài và sự hứng thú. Đặc biệt, những hoạt động đời sống thường nhật là những hoạt động cần được thực hiện, BỞI TRẺ, để bắt đầu loại bỏ những lệch lạc tâm lý đang chớm nở đó. Chúng ta biết rằng chính công việc của trẻ đã hỗ trợ quá trình chuyển biến tinh tế từ trí tuệ hấp thu vô thức sang có ý thức.

• Trình độ ngôn ngữ nói của trẻ đã tiến bộ rõ rệt và trẻ thường xuyên tham gia trò chuyện với bạn bè trong bữa ăn hoặc trong các hoạt động nhóm.

• Có sự lặp lại trong việc sử dụng các thẻ danh pháp (thẻ hình – ND); ví dụ, trẻ làm việc với các thẻ, giới thiệu các tên gọi cho một trẻ khác hoặc lặp lại một bài học mà trẻ đã được giới thiệu.

• Trẻ thể hiện mức độ độc lập cao hơn và mức độ lộn xộn thấp hơn trong bữa trưa và / hoặc bữa ăn nhẹ.

•  Việc dùng nhà vệ sinh có thể chưa độc lập 100% nhưng cần phải sắp thành thạo. Nếu đứa trẻ chưa tập mặc quần lót nhưng đã sẵn sàng (để chuyển tiếp -ND) thì việc chuyển tiếp phụ thuộc vào quyết định của cô chủ nhiệm hoặc trao đổi thêm giữa những người lớn có liên quan. Nếu cha mẹ mặc tã giấy cho trẻ từ lúc sơ sinh và tiếp tục sử dụng đến khi trẻ đã biết đi và bắt đầu có vẻ quan tâm đến việc dùng nhà vệ sinh, toàn bộ quá trình này thường bị trì hoãn. Kết quả thường là một đứa trẻ bị tách rời khỏi các chức năng của cơ thể mình; đứa trẻ này có thể mất nhiều thời gian hơn để sử dụng nhà vệ sinh một cách độc lập. Về bản chất, khi chúng ta trì hoãn việc chuyển tiếp vào lớp Mẫu giáo, do sự chậm trễ trong việc “sẵn sàng dùng nhà vệ sinh”, chúng ta đang trừng phạt đứa trẻ vì tình huống do người lớn tạo ra trong đời sống của trẻ. Chúng ta yêu cầu một đứa trẻ buộc trí tuệ của mình “tạm dừng” cho đến khi trẻ chọn dùng nhà vệ sinh và tự lập trong việc này. Thời điểm xảy ra điều này thường trùng với một giai đoạn tâm lý được các tài liệu chuyên đề truyền thống gọi là “cuộc khủng hoảng chống đối”; chúng ta thì gọi cuộc khủng hoảng này là "cuộc khủng hoảng khẳng định bản thân." Từ yêu thích của đứa trẻ trong cuộc khủng hoảng này là "KHÔNG." Việc khăng khăng buộc dùng nhà vệ sinh trong thời gian này thường dẫn đến những cơn ăn vạ tức giận, tệ hơn nữa là sự thao túng cực đoan của người lớn.

Theo kinh nghiệm của tôi, nếu chúng ta chỉ đơn thuần cho phép trẻ bắt đầu quá trình chuyển tiếp sang lớp Mẫu giáo, nơi mọi người sử dụng nhà vệ sinh một cách độc lập, cho trẻ mặc quần lót, trẻ sẽ đơn giản bắt đầu làm những gì mọi người khác làm trong môi trường này. Có thể mất một vài tuần, nhưng nếu chúng ta tin tưởng vào trí khôn bẩm sinh của trẻ, chúng ta biết rằng nếu chúng ta không thao túng trẻ, trao quyền trong việc dùng nhà vệ sinh cho trẻ, trẻ sẽ đổi ý và chọn dùng nhà vệ sinh như mọi người làm.

• Đứa trẻ biểu lộ nhận thức xã hội về những đứa trẻ khác và cảm thấy thoải mái trong môi trường tương tác với mười hoặc mười hai người khác. Với sự gia tăng khả năng ngôn ngữ nói, chúng ta thấy sự gia tăng nhận thức xã hội và mong muốn giao tiếp với những trẻ khác về công việc của các bạn.

Quá trình chuyển tiếp cần phải linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của từng trẻ. Cô chủ nhiệm Nhà trẻ mời giáo viên chủ nhiệm lớp Mẫu giáo quan sát đứa trẻ trong ít nhất nửa giờ. Họ làm việc nhóm để chuẩn bị cho các bậc phụ huynh về sự chuyển tiếp mang tính phát triển tiếp theo này đến một môi trường đông trẻ hơn (25-35) và khoảng cách độ tuổi là 3 năm. Các bậc cha mẹ thật khó hình dung con mình trong môi trường mở rộng này vì họ phải chứng kiến ​​con mình chuyển từ tỷ lệ hai người lớn: 1 trẻ em trong nhà hoặc tỷ lệ một người lớn: 3 trẻ sơ sinh của môi trường Tổ ấm so với tỷ lệ hai người lớn : 10-12 trẻ của Nhà trẻ. 

Bước đầu tiên, như đã từng thực hiện trước khi trẻ đi Nhà trẻ, một chuyến thăm nhà bởi giáo viên mới và có thể là một cuộc họp phụ huynh “chuẩn bị” với cả giáo viên và phụ huynh. Phụ huynh cũng sẽ quan sát lớp Mẫu giáo và có thời gian để suy nghĩ kỹ càng và đặt câu hỏi cũng như nói lên những lo lắng về sự thay đổi. Họ cần nhận thức được sự khác biệt cơ bản giữa hai môi trường:

• Lớp Nhà trẻ thường giao tiếp hàng ngày với cha mẹ; điều này là không thể trong lớp Mẫu giáo.

• Lớp Mẫu giáo có thể có nhiều học cụ gấp bốn lần Nhà trẻ và kỳ vọng về mức độ làm việc và tập trung sẽ tăng lên.

• Một số hoạt động trong Nhà trẻ là các hoạt động nhóm, hoặc trở thành các hoạt động nhóm và chiếm nhiều thời gian của buổi sáng, ví dụ, các hoạt động ngôn ngữ, chuẩn bị thức ăn, bữa ăn nhẹ. 

Trong nhiều lớp Mẫu giáo, việc chuẩn bị thức ăn là công việc cá nhân, và bữa ăn nhẹ được ăn cùng với một người bạn đồng hành được mời. Trẻ phải mất thời gian để thích nghi với sự thay đổi này. Khái niệm về việc cần được mời để tham gia công việc của người khác có thể là điều mới mẻ đối với đứa trẻ đang chuyển tiếp.

Cô chủ nhiệm lớp Nhà trẻ đưa trẻ đi thăm lớp Mẫu giáo để chỉ rõ những học cụ tương tự và những bạn bè quen thuộc. 

Hầu hết chúng ta đã có một số vòng tuần hoàn trong toàn trường, với lớp Nhà trẻ, trẻ lấy phân hữu cơ cho thùng giun, hoặc các mẩu giấy để làm tổ cho động vật hoặc cho các hoạt động dán keo của lớp Mẫu giáo; nhờ đó đã có ít nhiều quen thuộc với các giáo viên chủ nhiệm Mẫu giáo và lớp học.

Người ta cũng có thể tổ chức một chuyến đi dạo “tập thể” cho trẻ Nhà trẻ để nhìn lướt qua phần còn lại của trường. Có một cô chủ nhiệm lớp Nhà trẻ mà tôi biết đã dùng những cuốn sách nhỏ và các thẻ ngôn ngữ (thẻ hình-ND) của một vài học cụ Mẫu giáo để làm học cụ ngôn ngữ, nhờ đó trẻ làm quen với tên gọi của một số học cụ mà trẻ sẽ gặp.

 Sau chuyến thăm đầu tiên này, trẻ có thể thăm thêm một vài chuyến khác ngắn hoặc dài, tùy thuộc vào trẻ. Một đứa trẻ lớn hơn có thể đóng vai trò như một người hướng dẫn, mời em nhỏ đến thăm lớp học hoặc đề nghị “dạy” những bài học cảm quan đầu tiên hoặc thẻ từ vựng. Trẻ Nhà trẻ có thể được mời chơi cùng trẻ Mẫu giáo ở sân chơi. Lễ kỷ niệm “chuyển nhà thực sự” bao gồm việc chính thức di chuyển đồ đạc của trẻ trong tủ cá nhân từ phòng này sang phòng kia.

Để phù hợp với quan điểm triết lý của chúng ta là sẵn sàng “khám phá đứa trẻ mới mỗi ngày”, khi cô chủ nhiệm lớp Mẫu giáo chuyển hồ sơ của trẻ, cô ấy cần nhấn mạnh những bài học đã được giới thiệu và trẻ đã nắm vững chứ không phải hành vi của trẻ. Những đứa trẻ này đã sẵn sàng cho những hoạt động đời sống thường nhật đầy thử thách, những chữ cái giấy nhám, những bài học cảm quan đầu tiên và những thẻ làm giàu vốn từ khi trẻ bước vào lớp Mẫu giáo.Trẻ có thể là “em bé” của lớp này, nhưng trẻ đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tự chăm sóc bản thân và hoàn toàn làm việc độc lập. Nếu trẻ được trình bày những bài học mà trẻ đã từng làm trong một khoảng thời gian dài trước đây, nhu cầu của trẻ sẽ không được đáp ứng và trẻ sẽ có dấu hiệu thụt lùi. Nếu “truyền thống” của lớp học là bắt đầu buổi sáng với một bài học cả lớp (hy vọng là không có!), đứa trẻ nhỏ này, đang sẵn sàng làm việc, cũng có thể biểu hiện những hành vi được dán nhãn là “nghịch ngợm”.

TÌNH TRẠNG CHỜ ĐỢI

Trẻ nên chuyển sang lớp Mẫu giáo khi trẻ đã sẵn sàng. “Tình trạng chờ đợi” không phải là tình huống lý tưởng cho trẻ hoặc cho lớp Nhà trẻ. Ban giám hiệu nhà trường cần hợp tác với các giáo viên chủ nhiệm và gia đình để giải quyết các khía cạnh hậu cần và tài chính của những quá trình chuyển tiếp này. Tôi nhận thấy rằng có những thời điểm, vào cuối năm học, không thể thực hiện chuyển tiếp. Tuy nhiên, giữ một đứa trẻ “sẵn sàng” trong Nhà trẻ hơn một tháng là điều không nên.

Chúng ta biết rằng trẻ chỉ có thể kiến tạo bản thân trong một môi trường đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ. Một môi trường không thỏa mãn những nhu cầu phát triển đó là nơi những lệch lạc xảy ra. Chúng ta thấy hiện tượng này ở tất cả các giai đoạn phát triển nhưng sự phát triển ở giai đoạn đầu tiên diễn ra quá nhanh đến nỗi khi một đứa trẻ bị giữ lại quá lâu trong Nhà trẻ, sự suy thoái trong hành vi sẽ nhanh chóng diễn ra. Đứa trẻ hôm qua dường như là một ví dụ về sự bình thường hoá có thể hôm nay đột nhiên bộc lộ cái mà Montessori gọi là lệch lạc tâm lý - một sự chệch hướng khỏi con đường phát triển bình thường của con người. Để tránh tạo ra tình huống thúc đẩy trẻ phát triển lệch lạc, những người lớn hướng dẫn trẻ và cung cấp một môi trường để kiến tạo bản thân theo hướng tích cực phải sẵn sàng quan sát, lập kế hoạch, chuẩn bị và cho phép quá trình chuyển tiếp diễn ra một cách tự nhiên. Chúng ta phải liên tục tự hỏi: "Trường học thực hiện chức năng của nó là vì ai: vì nhu cầu của người lớn hay nhu cầu của đứa trẻ?"

“Để hỗ trợ một đứa trẻ, chúng ta phải trao cho trẻ một môi trường cho phép trẻ tự do phát triển. Một đứa trẻ đang trải qua giai đoạn nhận thức bản thân, và chỉ đơn giản mở ra cánh cửa cho trẻ là đủ."

Maria Montessori, Bí ẩn Tuổi thơ

Bài viết khác

Tuyển Sinh