Gian bếp là nơi mà người lớn thường hạn chế hoạt động của trẻ em vì có xu hướng nghĩ rằng trẻ nhỏ không thích hợp ở khu vực này. Thực tế lại cho thấy trẻ em là những cá thể rất yêu thích làm việc, đặc biệt là các công việc nhà. Và trẻ hoàn toàn có khả năng thực hiện các việc nhà cơ bản nếu được chỉ dẫn tận tình. Vì thế mà không lạ gì khi trẻ thích thú với việc chơi đóng vai chủ đề gia đình hoặc nấu ăn, bán hàng… Tuy nhiên, chơi đóng vai chỉ là một trò chơi mô phỏng trong khi các hoạt động thực hành về nấu ăn, làm bánh lại hấp dẫn hơn nhiều. Hoạt động này tạo điều kiện cho trẻ được làm thật, được sử dụng vật thật và còn mang lại cực kì nhiều lợi ích khác cho quá trình phát triển của trẻ.
Tăng vốn từ vựng, xây dựng ngôn ngữ nói một cách logic và trọn vẹn : thông qua việc học các từ vựng về nguyên liệu, dụng cụ làm bếp, các món ăn… vốn từ vựng của trẻ sẽ giàu lên một cách tự nhiên. Bên cạnh đó, việc hướng dẫn các bước thực hiện một món ăn theo trình tự cũng giúp trẻ xây dựng ngôn ngữ nói một cách logic và trọn vẹn.
Khả năng tập trung và kỹ năng phối hợp các giác quan: Nấu ăn là cơ hội tuyệt vời nhất để trẻ tận dụng khứu giác và vị giác, trẻ sẽ học được cách nhận biết ghi nhớ sự vật không chỉ bằng nghe, nhìn mà còn bằng mùi hương và cảm nhận vị giác. Giác quan là cửa ngõ của mọi thông tin. Một hệ giác quan nhạy cảm, tinh tường sẽ giúp tín hiệu đầu vào chính xác, tập hợp nên hệ thống thông tin chuẩn cho trẻ. Khi cắt gọt rau củ quả cũng chính là cơ hội để trẻ rèn luyện khả năng phối hợp tay mắt và sự tập trung cao độ làm sao để cắt đúng độ dày mỏng mong muốn, làm sao để không bị đứt tay, khi nhồi bột, nặn bánh cũng là cơ hội để trẻ phát triển xúc giác một cách hiệu quả…
Rèn luyện trí nhớ và tính trật tự: trong quá trình học làm một món ăn mới, trẻ phải nhớ thứ tự các bước thực hiện cũng như liều lượng của từng thành phần tạo nên món ăn đó. Nấu ăn làm bánh còn là hoạt động cho thấy tính trật tự rõ ràng. Từ những nguyên liệu thô cho đến một chiếc bánh được bày biện đẹp đẽ ngon lành trên bàn ăn phải trải qua một trình tự logic không thể xáo trộn. Do đó, đây cũng là một cơ hội tuyệt vời cho trẻ rèn luyện trí nhớ và tính trật tự.
Tạo dựng kỹ năng sống: Nấu ăn là một trong những kĩ năng tối cần thiết của con người để duy trì sự sống. Tự phục vụ bữa ăn cho chính mình cũng chính là cách giúp bản thân trẻ cảm thấy độc lập về chức năng. Thông qua việc nấu ăn trẻ còn học được các kĩ năng an toàn khi sử dụng các vật dụng nguy hiểm như dao, bếp lửa, lò nướng điện…
Bài học về dinh dưỡng và ăn uống lành mạnh: Trong quá trình nấu ăn, trẻ có cơ hội hiểu được những thực phẩm nào tốt cho sức khỏe và thực phẩm nào không, xây dựng khẩu phần ăn như thế nào để đảm bảo dinh dưỡng. Được tự do chọn lựa món để nấu sẽ khuyến khích trẻ ăn ngon miệng hơn và thích ăn ở nhà hơn thay vì ra ngoài mua các món ăn nhanh không tốt cho sức khỏe. Thông qua việc cùng nhau thực hiện món ăn, người lớn dễ dàng khuyến khích trẻ thử những loại thực phẩm mới lạ mà ngày thường trẻ không muốn thử.
Phát huy tính độc lập, sự tự tin: khi trẻ có thể làm thành công một món ăn và mời mọi người cùng thưởng thức chính là lúc trẻ cảm có cảm giác thành tựu. Trẻ tự tin về khả năng của mình khi có thể tự phục vụ bản thân mình và những người khác một bữa ăn ngon lành.
Phát triển thể chất, vận động: trong hoạt động nấu ăn làm bánh này không những trẻ phải sử dụng những nhóm cơ lớn mà các nhóm cơ nhỏ có cơ hội làm việc rất nhiều. Công việc nhồi, cán bột, cắt gọt rau củ quả, nặn bánh … không những giúp trẻ phát triển vận động tinh một cách khéo léo mà sự phối hợp vận động tay mắt còn được hoàn thiện một cách đáng kể.
Phát triển khả năng toán học: Nấu ăn thực sự là một cơ hội tuyệt vời để phát huy khả năng toán học cho trẻ. Thông qua việc tính toán nguyên vật liệu, cân, đo, đong, đếm, lượng bột, đường, nước… trong quá trình thực hiên món ăn trẻ đã học được rất nhiều nội dung toán học như cộng, trừ, trẻ còn học được cả về đo thể tích, khối lượng, phân số - khái niệm toán Tiểu học - một cách rất trực quan, dễ hiểu.
Cung cấp những kiến thức về khoa học: khoa học là một môn học của đời sống. Cho nên, việc trẻ thực hành trên các nguyên liệu tự nhiên cung cấp rất nhiều cơ hội khám phá khoa học. Trẻ sẽ hiểu được chuyện gì xảy ra khi trộn hai loại nguyên liệu với nhau cũng như điều gì xảy ra khi các thành phần được thêm vào với liều lượng khác nhau, và trình tự thay đổi hoặc vì sao bột bánh mì lại nở ra… Có rất nhiều điều thú vị về khoa học mà trẻ có thể thu nhận được từ công việc nấu ăn này.
Xây dựng tính hợp tác, làm việc nhóm: Khi thực hành nấu ăn, làm bánh trẻ không làm việc một mình mà hoạt động theo nhóm. Trong nhóm mỗi bạn sẽ thực hiện một nhiệm vụ, hoặc sẽ phải chờ đến lượt mình để thao tác, do đó giúp trẻ phát huy tinh thần tập thể, biết chờ đợi đến lượt mình, chia sẻ đồ dùng…, có trách nhiệm với công việc được phân công để kết quả cuối cùng là thành phẩm món ăn được hoàn thành.
Chương trình học