GIÚP ĐỠ ĐỂ TRẺ TỰ MÌNH LÀM ĐƯỢC

“Tuy người mẹ hoặc người chăm trẻ thường không ý thức được rằng mình đã liên tục đàn áp trẻ, nhưng đó là sự thật. Họ đều không nhận thức được hoặc phớt lờ đi những khao khát của trẻ để được sử dụng các giác quan và tay chân của mình, sự nỗ lực để hiểu biết môi trường xung quanh, để sử dụng trí tuệ của trẻ vào những đồ vật xung quanh và tiếp nhận kiến thức trực tiếp từ các đồ vật ấy.” - Maria Montessori

Trường mẫu giáo Montessori được gọi là Ngôi Nhà của Trẻ Em. Quan niệm của chúng tôi về ngôi trường không phải là căn nhà với bốn bức tường để giữ trẻ trong đó, nhưng là một nơi mà chính các em là chủ nhà. Quan niệm này nói lên sự cần thiết để chuẩn bị một nơi cho riêng trẻ, nơi trẻ có thể hoạt động phù hợp với cơ thể và trí tuệ của mình. Người giáo viên nên chỉ là một người khách, hoặc là người đến để trợ giúp trẻ.

Một trong những ý tưởng đầu tiên khi Bác sĩ Montessori bắt đầu công việc giáo dục trẻ em là nội thất phải có kích thước phù hợp với trẻ. Đây là một ý tưởng chẳng mới mẻ gì với chúng ta ở hiện tại, nhưng ngay lúc ý tưởng này được thực hiện, ở thời điểm cách đây hơn 100 năm, đã làm tất cả mọi người sửng sốt.

Cùng thời điểm đó, giáo sư John Dewey thuộc trường đại học Columbia ở New York, một nhà triết học, tâm lý học, giáo dục học lỗi lạc của thế kỷ 20 đã quyết định tìm mua các vật dụng phù hợp kích thước cho trẻ như là nội thất, bàn, ghế, tủ,…nhưng không thể tìm thấy bất cứ một đồ vật nào. Sau đó ông nêu quan điểm của mình bằng một câu nói mà về sau rất nổi tiếng “Về khía cạnh môi trường vật chất, thế giới đã bỏ quên những đứa trẻ”

Nhận định này quả thật đúng đắn. Tuy nhiên, bác sĩ Montessori khi bắt đầu đảm nhận công việc giáo dục trẻ em, đã nói rằng: “Nếu những ngôi nhà cho trẻ em không tồn tại, hãy để chúng tôi xây dựng chúng. Nếu những vật dụng cần thiết cho trẻ chưa được làm, hãy để chúng tôi làm chúng.” Tất cả những gì được làm và làm như thế nào đều được thí nghiệm và thử nghiệm. Hơn nữa, không chỉ những đồ dùng và nội thất mà còn rất nhiều thứ phù hợp cho sự phát triển của trẻ đã được tạo ra.

Các ý tưởng là nền móng, do đó thông thường từ một ý tưởng đơn giản sẽ đưa đến các kết quả tuyệt vời. Và kết quả của ý tưởng trên không chỉ giúp trẻ có thể tự phục vụ mình bằng việc sử dụng những đồ vật đó, nhưng kết quả tốt nhất là trẻ đã thay đổi tính nết nhờ việc sử dụng những đồ vật này. Các em đã bộc lộ sự phấn khởi khi làm việc với những đồ vật này. Sự phấn khởi đó rất khác so với sự phấn khởi khi trẻ được vui chơi.

Từ đó, cách thức mới được ra đời. Cách thức mà luôn để tâm đến những nhu cầu đặc biệt về quá trình phát triển tâm lý và thể chất của trẻ. Đó cũng chính là giải pháp cho vấn đề về tự do của trẻ, cũng như vấn đề về cách hành xử và cư xử của trẻ. Và bây giờ chúng ta sẽ nói về một số chi tiết của các vấn đề này.

Những người mẹ thường nói: “Con tôi thì làm tôi giận điên lên” “Nó thật là nóng tính” “Con tôi lúc nào cũng bám dính lấy tôi” “Tôi không thể rời nó nửa bước” “Con tôi thì dễ chán”. Vài người mẹ khác thì nói “Ôi, con tôi thật là chán” hoặc là “ Nó lúc nào cũng đòi kể chuyện hoặc hỏi liên miên về mọi thứ” Đây là các vấn đề về hành xử.

Cũng có các vấn đề về cư xử như những người làm cha mẹ thường nói “Con tôi hư lắm, làm sao để tôi làm nó ngoan lên được?” hay “Chúng ta nên làm gì với nó đây, nó quá ngỗ nghịch rồi, chúng ta có nên đánh nó không?” Bằng cách này hay cách khác, trẻ tạo ra rất nhiều vấn đề ở nhà cũng như ở trường.

Vấn đề cốt lõi ở đây là vấn đề về sự tự do của trẻ. Chúng ta phải đối mặt với sự khác biệt của chế độ dân chủ (tự do) và chế độ chuyên chế (phục tùng). Liệu trẻ nên được tự do để hình thành nhân cách hay trẻ nên được người khác uốn nắn để có được nhân cách? Vấn đề về sự tự do của trẻ cũng cấp thiết như vấn đề tự do của một quốc gia vậy.

Ngày nay, nhiều người tin rằng nên để cho trẻ được tự do. Vì thế, các gia đình đó lại gặp phải vấn đề là làm sao để trẻ được tự do. Để trẻ được tự do không chỉ đơn giản là giải quyết một vấn đề, nhưng nó liên quan đến rất nhiều vấn đề khó nhằn khác.

Đó là lý do tại sao mọi người đã rất vui mừng khi Ngôi Nhà của Trẻ Em được ra đời. Nó đã giúp đưa ra giải pháp. Những người lớn đã thất bại trong việc  hiểu được các nhu cầu phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ. Và một thất bại khác là về việc cung cấp hoạt động cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Ngôi Nhà của Trẻ Em chính là giải pháp.

Hãy cùng nhìn lại những gì đã xảy ra trong gia đình nơi người lớn là chủ nhà. Hãy cùng chúng tôi nhìn lại 100 năm trước, khi khoa học về thời thơ ấu hay những quy luật phát triển tự nhiên của trẻ bị phớt lờ. Những người mẹ thương yêu con cái chăm sóc chúng thật chu đáo kỹ càng, tắm rửa cho con, lau khô rồi thoa phấn, mặc áo quần rồi chải tóc cho con, bế con đi dạo và chăm sóc từng chút một cho nhu cầu thể chất của con.

Hãy nhìn lại người mẹ, người có đứa con đang leo lên ghế hay sô pha, người nói với giọng nghiêm nghị “leo xuống ngay cho mẹ!” hoặc một người mẹ trong cùng hoàn cảnh đó nhưng nói với giọng dịu dàng “con yêu, leo xuống đi nhé!” Mỗi người mẹ ở trên đều có cách riêng để chỉnh đốn con mình.

Và đúng như bạn có thể hình dung, dù là người mẹ dùng giọng điệu giận dữ hay dịu dàng thì với trẻ đều như nhau cả, vì vấn đề trọng tâm của cả 2 người mẹ đều như nhau, cả người mẹ giận dữ và người mẹ dịu dàng đều đang ngăn cản con mình làm cái chúng đang làm. Nếu đứa trẻ muốn ngồi trên bậc thềm, nó tức thì được bảo rằng “Ôi, đừng ngồi chỗ bẩn đó con”. Dù ngăn cấm một cách ngọt ngào hay giận dữ, sự ngăn cấm vẫn là sự ngăn cấm.

Nếu bạn ngẫm về vấn đề ngăn cản trẻ làm những việc, mà theo như quan điểm của người lớn là việc không nên làm, thì bạn sẽ nhận ra rằng đứa trẻ này cũng ở trong hoàn cảnh không khác gì mấy người ăn xin ở London, người đang kiếm chỗ nào đó để ngủ. Trước hết, họ sẽ thử đến nhà thờ, và người canh nhà thờ sẽ bảo họ đi ra. Rồi sau đó họ vào công viên kiếm một chiếc ghế đá, rồi thì cũng bị người bảo vệ đuổi đi. Cuối cùng thì họ buộc phải đi lang thang trên phố cả đêm, không được phép ngủ ở đâu cả.

Trẻ cũng như vậy, trẻ không được phép sử dụng bất kì thứ gì xung quanh trẻ trong không gian của người lớn. “Đừng lấy…” là mệnh lệnh căn bản trẻ được nhận khi liên quan đến những đồ vật dễ vỡ hoặc quý giá của người lớn hoặc những đồ vật người lớn sử dụng trong nhà như là ly sứ, đồng hồ, bút viết và những thứ dễ vỡ khác. Chung quy lại, trẻ không được sử dụng bất kì đồ vật thực tế nào trong không gian của người lớn.

Trẻ sẽ được cho một trái banh cao su hay vài đồ chơi bằng nhựa và được bảo là “con hãy chơi với những đồ này nhé” Nhưng không lâu sau đó trẻ sẽ ném nó đi. Chẳng để tâm rằng trẻ cũng có thể có lý do để than phiền, nhưng ba mẹ sẽ là người than phiền và nói “lúc nào tôi cho nó đồ chơi nó cũng làm hư hoặc quăng đi mất”. Điều đáng buồn về thái độ này của người lớn đó là sự áp đặt, cái mà trẻ cảm thấy bị ngăn cản trong mọi nỗ lực để trở nên năng động của trẻ. Lúc này, sự thúc đẩy trong chính trẻ cho các hoạt động thể chất và tinh thần bị cản trở; trẻ phải chịu đựng sự dày vò khi bị đàn áp trong mỗi nhất cử nhất động.

Tuy người mẹ hoặc người chăm trẻ thường không ý thức được rằng mình đã liên tục đàn áp trẻ, nhưng đó là sự thật. Họ đều không nhận thức được hoặc phớt lờ đi những khao khát của trẻ để được sử dụng các giác quan của mình, sự nỗ lực để hiểu biết môi trường xung quanh trẻ, để sử dụng trí tuệ của trẻ vào những đồ vật xung quanh và tiếp nhận kiến thức trực tiếp từ các đồ vật ấy.

Một vấn đề nghiêm trọng khác là những trợ giúp không cần thiết cho trẻ. Những sự giúp đỡ đó thật sự là chướng ngại. Tất cả những người mẹ tốt thường muốn giúp con mặc đồ, chải tóc, bế con đi dạo và làm đủ thứ các chuyện khác cho trẻ. Vài người mẹ còn nói rằng “Trách nhiệm của chúng ta là làm mọi thứ cho con. Người mẹ nào càng làm được nhiều thứ cho con thì càng tốt” Chúng tôi mong ước được nói ra điều này sớm hơn, là mỗi sự giúp đỡ không cần thiết là một chướng ngại trong việc phát triển của trẻ.

Đã từng có người mẹ kia, được rất nhiều người ngưỡng mộ, bà đã nói rằng “Tôi sẽ tự mình tắm rửa cho các con mỗi ngày cho đến khi chúng 12 tuổi”. Lúc đó, mọi người chưa nhận ra rằng chỉ chăm sóc nhu cầu thể chất cho trẻ thôi thì chưa đủ. Nhu cầu quan trọng nhất là giúp con để con có thể tự mình làm được. Trẻ có nhu cầu được tự lập và những sự giúp đỡ như trên thì không giúp trẻ có được sự tự lập. Sự tự lập là thiết yếu cho sự phát triển và lớn lên của trẻ.

Sự tử tế của người lớn theo cách đó sẽ trở thành mối nguy cho trẻ. Vì trẻ sẽ lớn lên bộc lộ sự thiếu năng lực và không thể tự lực. Chúng ta phải cung cấp sự hỗ trợ cho sự phát triển của trẻ, không phải là gây cản trở cho sự phát triển đó. 

------

Nguồn: The Montessori Series: What You Should Know About Your Child - Helping the Child to Help Himself

Dịch bởi: Hà Ly Nguyễn (Guide AMI 3-6)

Hình ảnh hoạt động

GIÚP ĐỠ ĐỂ TRẺ TỰ MÌNH LÀM ĐƯỢC
GIÚP ĐỠ ĐỂ TRẺ TỰ MÌNH LÀM ĐƯỢC
GIÚP ĐỠ ĐỂ TRẺ TỰ MÌNH LÀM ĐƯỢC
GIÚP ĐỠ ĐỂ TRẺ TỰ MÌNH LÀM ĐƯỢC
GIÚP ĐỠ ĐỂ TRẺ TỰ MÌNH LÀM ĐƯỢC
GIÚP ĐỠ ĐỂ TRẺ TỰ MÌNH LÀM ĐƯỢC

Bài viết khác

Tuyển Sinh