PHÁT TRIỂN KHẢ NĂNG TỰ CHỦ TỪ 12-24 THÁNG TUỔI

Trẻ tập đi có suy nghĩ của riêng mình và những cảm xúc mạnh mẽ mà trẻ thể hiện một cách nhiệt thành. "KHÔNG!" trở thành một từ yêu thích và là một cách mạnh mẽ để khẳng định sự độc lập của mình. Hãy tìm hiểu cách giúp bé học cách tự chủ từ 12-24 tháng tuổi.

 

Trẻ tập đi có suy nghĩ của riêng mình và những cảm xúc mạnh mẽ mà trẻ thể hiện một cách nhiệt thành. "KHÔNG!" trở thành một từ yêu thích và là một cách mạnh mẽ để khẳng định sự độc lập của mình. Đồng thời, trẻ tập đi có thể trở nên dễ nản lòng vì vẫn còn nhiều việc muốn làm nhưng không thể làm được. Vì vậy, năm thứ hai này của cuộc đời có thể là thử thách đối với cả cha mẹ lẫn con cái, vì trẻ tập đi có những cảm xúc mãnh liệt mà trẻ chưa thể kiểm soát. Các thói quen thì đặc biệt hữu ích trong năm thứ hai này vì thói quen khiến trẻ cảm thấy an toàn vào thời điểm mà trẻ cảm thấy mất kiểm soát.

Thấu hiểu tính khí của con bạn.

Tính khí mô tả cách thức riêng biệt mà một người cảm nhận và phản ứng với đời sống xung quanh mình. Một số người khá linh hoạt và “xuôi theo dòng chảy”, những người khác lại gặp khó khăn với sự thay đổi. Một số người rất hướng ngoại, những người khác thích lùi lại và quan sát trước khi lao vào những tình huống mới. Những cách tiếp cận đời sống này đều là một phần tính khí của chúng ta. Đó là những đặc điểm sẵn có khi ta sinh ra. Tính khí không do cha mẹ tạo ra cũng không ai được chọn.

Tính khí của trẻ ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát cảm xúc và đương đầu với các tác nhân gây căng thẳng. Với những đứa trẻ có bản tính phản ứng dữ dội, có tâm trạng nhìn chung thường tiêu cực hơn hoặc không thích ứng tốt với sự thay đổi, thì có thể gặp khó khăn hơn trong việc phát triển khả năng tự chủ. Cảm xúc và phản ứng của những trẻ này quá mạnh mẽ nên việc kiểm soát chỉ là khó thực hiện hơn mà thôi. Trẻ có thể cần thêm thời gian và sự hướng dẫn từ bạn để phát triển các kỹ năng ứng phó mà trẻ cần để tự trấn an và giữ kiểm soát.

Điều bạn nên làm:

Tìm kiếm các khuôn mẫu. Quan sát cách con bạn phản ứng trong các tình huống khác nhau để hiểu rõ hơn về tính khí của trẻ. Làm thế nào để cậu bé xoay sở với những thay đổi và thử thách? Cậu bé thích hoặc tránh những kiểu người và tình huống nào?  Việc xác định các khuôn mẫu có thể giúp bạn bắt đầu dự đoán cách con bạn sẽ phản ứng trong những tình huống nhất định. Bạn có thể bắt đầu xác định những người, nơi chốn và trải nghiệm có thể là thử thách đối với con và giúp con chuẩn bị cách xoay sở với những điều đó. Bạn cũng có thể tìm hiểu điều gì làm con dễ chịu và giúp con ứng phó với những tình huống căng thẳng.

 

Đồng cảm với cảm xúc của con bạn.

Khi con bạn buồn—có thể là xe bị mất bánh hoặc tòa tháp của con bị đổ–hãy cho con biết bạn hiểu con buồn và thất vọng như thế nào. Đừng vội làm con vui lên ngay.(Thay vào đó – ND):  “Không sao đâu, mình sẽ sửa nó lại” hoặc “Cùng nhau xây lại nào” có thể là những phản hồi có giá trị. Nhưng bước đầu tiên quan trọng nhất là cho con biết cảm xúc của con là hoàn toàn bình thường. “Con đang rất thất vọng vì tòa tháp sụp đổ. Điều đó thật khó chịu. Con đã hết sức cố gắng”. Xoa lưng và xoa dịu con. Sau đó bạn cùng con suy nghĩ tìm ra giải pháp. Cho con biết bạn hiểu và chấp nhận cảm xúc của con—còn được gọi là sự đồng cảm—giúp con vượt qua những cảm xúc khó khăn đó và học cách ứng phó với chúng. Trải nghiệm sự đồng cảm cũng giúp bé thể hiện sự đồng cảm với người khác, một yếu tố rất quan trọng trong việc phát triển các mối quan hệ lành mạnh.

[Khuyến nghị này được điều chỉnh từ Xây dựng Tâm trí Lành mạnh của Greenspan: Sáu Trải nghiệm Tạo nên Trí thông minh và Sự Phát triển Cảm xúc ở Trẻ sơ sinh và Trẻ nhỏ; ]

Hãy suy nghĩ về tính khí của bạn.

Tính khí của bạn cũng quan trọng. Tính khí của cha mẹ phù hợp với tính khí của con họ đến đâu được gọi là “mức độ phù hợp”. Ví dụ, một bậc cha mẹ nhút nhát, ít nói có thể gặp khó khăn trong việc ứng phó với một đứa trẻ năng động, mạnh mẽ. Hoặc một bậc cha mẹ hướng ngoại có thể cảm thấy bối rối không biết làm thế nào để ứng phó với đứa con nhút nhát và sợ sệt của mình.

Dành một chút thời gian để suy nghĩ về tính khí của chính bạn sẽ giúp bạn nhận thức được sự “phù hợp” giữa bạn và con bạn. Hãy nhớ rằng ngay cả khi bạn và con bạn rất khác nhau, bạn vẫn có thể là một người cha/mẹ tuyệt vời và luôn quan tâm đến con cái. Điều quan trọng là nhận thức được những điểm giống và khác nhau của bạn và con. Sự nhận thức này sẽ giúp bạn hiểu nhu cầu cá nhân của con bạn và hỗ trợ sự phát triển của trẻ.

Ví dụ:

Một phụ huynh hướng ngoại ban đầu có thể động viên đứa con nhút nhát của mình ngay lập tức tham gia vào một nhóm chơi vì đó là phản ứng và mong muốn tự nhiên của cô ấy (phụ huynh-ND). Tuy nhiên, khi cô ấy nhớ rằng cách tiếp cận các tình huống mới của con mình hoàn toàn khác với mình, cô ấy có thể đặt cảm xúc của mình sang một bên và hỗ trợ những gì trẻ cần. Cô ấy có thể bắt đầu giúp con mình “khởi động” bằng cách ngồi ở rìa của nhóm chơi, quan sát những đứa trẻ khác và nói về những gì chúng đang làm. Sau đó, cô ấy có thể chơi riêng với trẻ và sau vài phút, mời một đứa trẻ khác tham gia. Việc điều chỉnh cách tiếp cận của mình giúp phụ huynh này hỗ trợ năng lực ngày càng nâng cao của con mình trong việc đương đầu với cảm xúc và phát triển khả năng tự chủ.

[Ví dụ này là từ cuốn sách Nuôi dạy em bé của Lerner và Dombro: Ba bước để đưa ra những quyết định đúng đắn trong những năm đầu đời của con bạn. Để đọc thêm, hãy truy cập danh sách tài nguyên và giới thiệu của chúng tôi.]

Điều bạn nên làm:

Đừng làm ngay điều gì, đứng yên đó! Khi bạn đang ở trong một tình huống căng thẳng với con mình, điều quan trọng là phải dừng lại một chút và suy nghĩ về những gì đang xảy ra. Con bạn đang cho bạn biết điều gì về những gì con đang cảm thấy và những gì có lẽ con cần phải đương đầu? Bạn đang cảm thấy và phản ứng lại điều gì? “Thời gian chờ” này—thậm chí chỉ kéo dài vài giây—cho bạn cơ hội tìm ra cách tiếp cận tốt nhất cho từng đứa trẻ riêng biệt của chúng ta.

 

Hãy là một hình mẫu của việc đương đầu với những cảm xúc mạnh mẽ và giành lại quyền kiểm soát. Con vừa làm đổ sữa khắp sàn nhà! Và chúng ta đã trễ giờ đọc truyện ở thư viện! Tôi đang cảm thấy phát điên ngay bây giờ. Tôi nghĩ mình sẽ nhắm mắt lại và đếm đến năm trước khi dọn dẹp. Thông qua lời nói và hành động của mình, bạn có thể cho con mình thấy rằng kiềm chế và bình tĩnh lại sau một tình huống khó khăn là điều khả thi.

Đặt ra kỳ vọng chính đáng.

Trẻ tập đi gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc và hành vi của mình vì trẻ chưa thể:

  • Hiểu đầy đủ hậu quả từ hành động của mình.
  • Nắm bắt sự khác biệt giữa hành vi được chấp nhận và không được chấp nhận;
  • Có trí nhớ dài hạn để liên tục nhớ lại các giới hạn hoặc quy tắc bạn đặt ra;
  • Có khả năng kiểm soát thôi thúc để ngăn bản thân lặp lại một hành vi không được chấp nhận.

Do đó, hình phạt không hiệu quả và có thể khiến trẻ sợ hãi và bối rối.

Điều bạn nên làm:

Dừng hành vi.

Ví dụ: nắm lấy tay con bạn– chặt nhưng không thô bạo– và nói với trẻ “Không được đánh. Đánh đau.” bằng một giọng nghiêm nghị, bình tĩnh.

Công nhận cảm xúc của con bạn. “Con rất tức giận vì Paolo đã lấy đồ chơi của con. Cảm thấy tức giận thì không sao cả. Nhưng con không được đánh. Đánh đau.” v.v.. Làm mẫu những cách chính đáng để bày tỏ cảm xúc. Cho trẻ thấy những gì trẻ có thể làm để thể hiện cảm xúc tức giận của mình, chẳng hạn như nhảy lên nhảy xuống, giậm chân hoặc đập vào đệm ghế sofa.

Giúp trẻ giải quyết vấn đề.

Ví dụ: cùng nhau đến gặp Paolo để đòi lại đồ chơi. Đề nghị trẻ sử dụng đồng hồ bấm giờ để thay phiên nhau.

Xem hành vi sai trái là cơ hội để hướng dẫn cách tự chủ.

Trẻ tập đi của bạn muốn: một chiếc bánh quy trước bữa tối, tự leo cầu thang, giật bông tai của bạn, đập một khối vào cửa sổ. Trẻ va đầu, ngã xuống sau khi chạy hết tốc lực, hoặc cho một ngón tay vào ngăn kéo bếp (sau khi lấy hết đồ ra). Mỗi khoảnh khắc này là một cơ hội để giúp con bạn học cách kiềm chế sự tức giận, buồn bã, đau đớn và thất vọng, đồng thời dạy cho trẻ biết điều gì được và không được chấp nhận.

Cách bạn phản ứng với những sự cố này sẽ hình thành hành vi của con bạn. Con bạn làm một việc gì đó và tuỳ thuộc vào cách phản ứng của bạn, trẻ sẽ quyết định xem việc đó có đáng để làm lại hay không. Phản ứng của bạn càng nhiều cảm xúc thì hành vi đó càng có khả năng tiếp diễn. Đó là do một phản ứng mạnh, dù tích cực hay tiêu cực, đang đúng ý trẻ và là lý do để lặp lại hành vi đó.

Dưới đây là một số cách để thiết lập giới hạn và hướng dẫn cách tự chủ thông qua những khoảnh khắc đời thường mà bạn và con góp phần tham gia.

Điều bạn nên làm:

Sử dụng lời nói và hành động để thiết lập giới hạn:

Chỉ mỗi lời nói có thể sẽ không đủ để khiến con bạn dừng một hành động không được chấp nhận. Sử dụng giọng nói trầm, uy quyền (không tức giận hoặc la hét). Đồng thời, sử dụng cử chỉ “dừng lại” hoặc “không-không” cùng với lời nói của bạn. Trẻ tập đi giao tiếp chủ yếu thông qua cử chỉ nên việc “song ngữ” trở nên hữu ích khi bạn củng cố một giới hạn. Hãy nhớ rằng trẻ tập đi của bạn có thể không phản ứng trong lần đầu tiên hoặc thậm chí lần thứ hai. Phải lặp đi lặp lại hàng ngàn lần, nghe lời nói cùng với các hành động, trước khi đến lúc chỉ cần mỗi lời nói là đủ.

Thừa nhận ý định/mong muốn của con bạn. Sử dụng lời nói để cho con bạn thấy rằng bạn hiểu những gì con muốn làm: Con muốn chơi với nước, nhưng con không được làm đổ nước trong cốc của con xuống sàn.

Điều hướng:

Giúp trẻ thể hiện mong muốn của mình theo cách có thể chấp nhận được. Ném khối là không ổn. Người khác có thể bị thương. Thay vào đó, con có thể ném những quả bóng xốp này vào rổ.

Hướng dẫn các lựa chọn thay thế. Nói và chỉ cho con bạn những gì bé có thể làm. Đưa ra những chừng mực có thể chấp nhận được để định hướng cho dòng năng lượng của con bạn. Nếu bạn ngừng hành vi của con bạn, nhưng không đưa ra một giải pháp thay thế chấp nhận được, thì hành vi không được chấp nhận đó có thể sẽ tiếp tục. Đó là do hầu hết trẻ tập đi chưa thể tự mình xác định các hành động khác (dễ chấp nhận hơn).

Vì vậy, đối với trẻ nhỏ thích đổ ly tập uống của mình, bạn có thể đưa trẻ ra ngoài trời hoặc vào bồn tắm để cung cấp cho trẻ những cách có thể chấp nhận được để khám phá với nước.

Giúp con bạn học cách tự trấn an bản thân:

Khi một đứa trẻ không còn tự chủ được nữa, trẻ đang cho bạn thấy rằng trẻ không còn khả năng đương đầu. Trẻ không học được bất cứ điều gì khi trẻ ở trong trạng thái rối loạn này. Vì vậy, mục tiêu vào những thời điểm này là giúp con bạn bình tĩnh lại để sau đó trẻ có thể tập trung vào việc học hỏi từ trải nghiệm đã dẫn đến thất bại đó.

Giúp con bạn bình tĩnh lại không phải là nhượng bộ hay làm hư con bạn. Đó là dạy cho con một kỹ năng quan trọng. Đôi khi trẻ có thể được xoa dịu bằng cách được ôm chặt hoặc đung đưa, vì trẻ cần kiểu đụng chạm và tiếp xúc cơ thể này để lắng đọng lại. Điều này không sao và không nên được coi là “nhượng bộ”.

Nhưng đôi khi không cách nào có tác dụng

. Trên thực tế, đôi khi những nỗ lực của chúng ta để xoa dịu bọn trẻ thực sự có thể làm chúng thêm đau khổ. Vào những thời điểm này, thời gian ở một mình thì có ích cho trẻ hơn. Điều này cho trẻ thời gian nghỉ ngơi và có thể giúp trẻ bình tĩnh lại. Nhưng lúc này việc ở một mình không nên bị coi là hình phạt. Đó là một công cụ tích cực để giúp trẻ có một khoảng nghỉ lành mạnh cho đến khi trẻ có thể tự trấn tĩnh lại.

Điều bạn nên làm:

  • Tạo một không gian an toàn trong nhà của bạn với những đồ vật thoải mái như gối, thú nhồi bông và sách. Một số gia đình gọi đây là “góc thư giãn” của họ. Hãy để cho em bé tập đi của bạn giúp tạo ra không gian. Giải thích cho con bạn rằng đây là nơi đặc biệt dành mọi người trong gia đình bạn khi cần nghỉ ngơi.
  • Giúp con bạn học cách điều chỉnh cảm xúc và hành vi của chính mình bằng cách cho trẻ biết rằng trẻ có thể kết thúc thời gian nghỉ ngơi khi trẻ đã bình tĩnh lại và sẵn sàng tương tác trở lại.
  • Làm mẫu việc nghỉ ngơi. Khi bạn gặp khó khăn, cảm thấy thất vọng hoặc tức giận, hãy tìm đến không gian an toàn. Đây là một cách hữu hiệu để làm mẫu sự tự chủ và cho thấy rằng đôi khi bạn cũng cần nghỉ ngơi. Nó cũng cho con bạn thấy rằng nghỉ ngơi trong góc thư giãn không phải là hình phạt mà là một nơi ẩn náo an toàn.

Biến cơn giận dữ thành những khoảnh khắc giáo dục:

Hiếm khi có một khoảnh khắc buồn tẻ nào trong năm thứ hai của con bạn vì em bé tập đi của bạn bắt đầu thể hiện cảm xúc của mình một cách hăng hái – vui mừng, phấn khích, tức giận, bực bội, thất vọng và buồn bã. Những cảm xúc này có thể còn khó kiểm soát đối với người lớn, chứ đừng nói đến một đứa trẻ một tuổi! Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi những cơn giận dữ bắt đầu ập tới. Bằng những cơn giận dữ, con bạn cho bạn biết rằng con đang gặp khó khăn trong việc ứng phó.

Khi ứng phó với cơn giận dữ, điều quan trọng cần nhớ là trẻ nhỏ không thích cảm thấy mất kiểm soát. (Những cơn giận dữ cũng không tốt cho trẻ!) Vì vậy, những cơn giận dữ vừa là một biểu hiện của cảm xúc vừa là một lời kêu gọi giúp đỡ. Con bạn cần sự hỗ trợ của bạn để bình tĩnh trở lại và làm chủ.

Điều bạn nên làm:

Bình tĩnh.

Bạn càng bình tĩnh, con bạn sẽ càng cảm thấy bình tĩnh hơn. Nếu bạn mất kiểm soát, điều đó có thể làm con bạn đau khổ hơn.

Ghi nhận cảm xúc của con, nhưng không dung túng hành vi không thể chấp nhận.

Cho đến khi trẻ cảm thấy được thấu hiểu, trẻ có xu hướng “làm tới” bằng cách tăng cường phản ứng cho đến khi trẻ được “lắng nghe”. Khi con bạn cư xử không đúng mực, hãy thừa nhận cảm xúc của con, nhưng hãy cho con biết rằng hành vi của con – những gì con đã làm cùng với cảm xúc của mình – là không thể chấp nhận được. Ba/mẹ biết con thực sự tức giận, nhưng con không được ném khối (gỗ - ND). Mặc dù con bạn có thể không hiểu những lời này ngay lúc đó, nhưng bé hiểu giọng điệu nghiêm nghị của bạn và các hành động đi kèm với lời nói của bạn. Điều này giúp bé hiểu nghĩa của lời nói khi bé lớn lên.

Giúp con bạn học cách tự trấn an bản thân.

Đưa cho con bạn một đồ vật ghiền hoặc chăn mền để ôm trong cơn giận dữ. Bật nhạc nhẹ. Cho con bạn một không gian đặc biệt của riêng mình để “hạ hỏa”. Đây có thể là một góc thư giãn trong phòng có gối và thú nhồi bông hoặc thậm chí là một chiếc chăn mềm đặt dưới bàn để trẻ có thể cuộn tròn. Nói với giọng bình tĩnh. Chỉ cho con bạn cách giậm chân, vò nát giấy, đập vào đệm ghế sofa hoặc sử dụng một cách khác có thể chấp nhận được để thể hiện sự tức giận của mình. Những cách thức này không nhượng bộ hoặc làm hư con bạn. (Nhưng cho con bánh để con hết giận thì có đấy.) Đây là những cách giúp con học cách ứng phó khi con trải qua một trong những thất bại hoặc thất vọng trong đời.

Hàn gắn.

Tìm cách hàn gắn với con bạn sau cơn giận dữ. Đem ra một số cuốn sách yêu thích của con để bạn và con có thể đọc cùng nhau. Đề nghị ôm, xoa lưng hoặc nắm tay. Hãy nhớ rằng vai trò của bạn không phải là trừng phạt con bạn vì cơn giận dữ (cơn giận dữ là kết quả của sự thất vọng), mà là giúp con bình tĩnh lại sau đó. Đây là cách con sẽ học cách tự chủ.

Vận dụng các hệ quả tất yếu.

Giúp con bạn hiểu rằng một hành vi không thể chấp nhận được sẽ có hậu quả tất yếu. Nếu con bạn tiếp tục ném các khối (gỗ), bạn có thể nói: Các khối (gỗ) phải được cất đi vì con đang ném chúng. Mình có thể chơi lại vào hôm sau. Thay vào đó, con có muốn chơi ghép hình không?”

Nhận ra rằng đôi khi không cách nào có tác dụng.

Tất cả chúng ta đều có những khoảnh khắc khi con mình trở nên kích động cực độ và lăn lộn trên sàn siêu thị với mọi ánh nhìn chằm chằm. Điều này không có nghĩa là con bạn “hư” hoặc các kỹ thuật trên không hiệu quả. Nó chỉ có nghĩa là nuôi dạy con cái là một công việc khó khăn và không có câu trả lời dễ dàng. Đôi khi điều tốt nhất bạn có thể làm là ở bên cạnh con mình cho đến khi trẻ bình tĩnh lại để trẻ biết rằng bạn luôn ở bên trẻ. (Và nhắc nhở bản thân rằng điều này rồi cũng sẽ qua.)

 

Bài viết khác

Tuyển Sinh