NGUỒN GỐC CÁC XU HƯỚNG KHÁM PHÁ, ĐỊNH HƯỚNG VÀ TRẬT TỰ CỦA TRẺ

Ngay cả khi chúng dường như không làm gì, trẻ sơ sinh bất động vẫn đang khám phá trong nôi của mình. Đó là một cuộc khám phá vô hình về thính giác, thị giác, cảm nhận không khí và sự tiếp xúc trên da

Montessori coi Xu hướng Khám phá là một hành vi cơ bản của loài người ngay từ khi bắt đầu. Người nguyên thủy phải tìm kiếm môi trường mới xung quanh của họ để tìm ra nguồn tài nguyên đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ. Do đó, Khám phá là động lực chủ đạo trong hoạt động của con người từ những ngày đầu tiên, mang lại niềm vui  khi thành công. Ngay cả ngày nay, khi chúng ta bắt đầu khám phá thách thức những điều chưa biết, niềm vui của người thời tiền sử vẫn đến với chúng ta.

Trẻ em bắt đầu khám phá môi trường trái đất ngay từ giây phút đầu tiên sau khi sinh. Chúng ngay lập tức bị tấn công bởi ánh sáng, âm thanh, mùi và cảm giác trên da. Montessori mô tả trải nghiệm ban đầu của trẻ em này là một “sự tái sinh lần thứ hai” -  vì nó đại diện cho sự bắt đầu của một cuộc sống phôi thai thứ hai — lần này là bên ngoài tử cung. Ngay cả khi chúng dường như không làm gì, trẻ sơ sinh bất động vẫn đang khám phá trong nôi của mình. Đó là một cuộc khám phá vô hình về thính giác, thị giác và cảm nhận không khí và sự tiếp xúc trên da. Những ấn tượng này là nền tảng cơ bản đến mức chúng định hình sự phát triển của não bộ trẻ em.

Trong vòng 15 ngày đầu tiên sau khi sinh, toàn bộ mạng lưới thần kinh đã được hình thành. Trẻ sơ sinh, với tư cách là người khám phá, đã “bước ra” môi trường, tiếp nhận nó và trở lại thành một cá thể khác biệt, giống như tất cả những nhà thám hiểm bước vào con đường tìm kiếm kiến ​​thức, và mang nó về để sử dụng.

Nhu cầu Khám phá của con người cho phép trẻ hoàn thiện cơ thể và trí não của mình, trở thành một con người của thời đại và nơi mà trẻ được sinh ra. Việc Khám phá của trẻ có hai mục tiêu: hoàn thiện cơ thể thông qua sự phát triển của não bộ bằng việc khám phá môi trường và thích nghi với cộng đồng nơi mà trẻ được sinh ra.

Lực kéo lớn hướng đến mục tiêu hai mặt này hàm ẩn trong quan niệm của Montessori về xu hướng con người. Một cách sử dụng từ tiếng Ý "tendere" liên quan đến việc người bắn cung kéo dây cung với mũi tên nhắm thẳng vào mục tiêu. Hình ảnh về sức mạnh và sự kiên định này, được thể hiện bởi cây cung căng và mũi tên chuẩn bị, cho thấy rõ ràng động lực mà Montessori gán cho xu hướng con người trong việc điều hướng hành vi của con người.

Như chúng ta sẽ thấy, giáo dục Montessori ở mỗi cấp độ tiếp theo đều được thiết kế dựa trên sự thôi thúc cơ bản của con người là Khám phá. Môi trường cho trẻ em dưới sáu tuổi cung cấp một bữa tiệc khám phá cho trẻ em. Không phải là một thế giới thần tiên tưởng tượng như trong nhiều trường mầm non mà là thế giới thực - như nơi những người đầu tiên đã đặt chân đến. Chương trình tiểu học, trung học và kế hoạch cho đại học tiếp tục cuộc khám phá thế giới thực này, mở rộng nó ra ngoài lớp học, đến cộng đồng và cuối cùng là toàn thế giới.

Khi những con người đầu tiên bắt đầu khám phá ngày càng xa hơn khỏi điểm xuất phát của họ, họ phải có phương tiện nào đó để quay trở lại điểm bắt đầu của họ. Chỉ bằng cách này, họ mới có được sự tự do và độc lập để di chuyển. Do đó, chúng ta phải có xu hướng đặt mình vào mối quan hệ với môi trường của mình, tạo ra một mô hình về nó trong tâm trí của chúng ta. Chúng ta phải có khả năng xem xét bản đồ tinh thần này: sắp xếp nó trong tâm trí của chúng ta. Chúng ta phải biết bắt đầu từ đâu, tiếp theo đi đâu và kết thúc ở đâu. Để những con người đầu tiên tìm đường trong những cuộc khám phá của họ, Định hướng và Trật tự phải là xu hướng hành vi của họ.

Ngay khi trẻ nhận được các ấn tượng nào đấy, trẻ phải giữ chúng trong não theo một mô hình dễ tiếp cận. Sau đó, có một xu hướng sắp xếp những ấn tượng này trong tâm trí để sử dụng sau này. Tuy nhiên, sự phân loại ấn tượng cá nhân này sẽ bị hạn chế nếu nó không trùng khớp với những mối quan hệ mà văn hóa chấp nhận.

Montessori đã thiết kế các học cụ giúp trẻ hiểu được sự phân loại ấn tượng rộng hơn này. Bằng các học cụ này, trẻ em được tiếp cận với thế giới khoa học. Ví dụ, các giáo cụ Giác quan giúp trẻ hiểu các mối quan hệ so sánh về kích thước, trọng lượng, chiều dài và thể tích. Đây không phải là lần đầu tiên trẻ cầm những vật có kích thước hoặc trọng lượng khác nhau. Tuy nhiên, chính việc mở rộng mối quan hệ giữa các đối tượng mới là điều quan trọng đối với sự thích nghi văn hóa. Do đó, trẻ em học cách phân biệt: nặng, nặng hơn, nặng nhất hoặc mỏng, mỏng hơn, mỏng nhất. Đứa trẻ trở thành một thành viên của xã hội của mình, sở hữu chìa khóa để tương tác với tất cả kiến thức khoa học của mình. Từ quan điểm nhận thức, Khám phá không còn đơn thuần là giác quan mà được mở rộng lên một cấp độ cao hơn.

Trật tự và Định hướng được tạo điều kiện thuận lợi trong lớp học Montessori bởi môi trường được chuẩn bị tốt, trình tự của giáo cụ học tập và tính nhất quán của phương pháp giáo dục. Mỗi giáo cụ đều có một vị trí riêng trong phòng, nơi chúng luôn có thể được tìm thấy khi không sử dụng. Trật tự bên ngoài này phụ thuộc vào một trật tự bên trong liên quan đến sự phát triển thực tế của các tiêu chuẩn đạo đức. Ví dụ, trong một tình huống cộng đồng, chúng ta đặt các vật dụng sử dụng trở lại vị trí và tình trạng chúng ta tìm thấy chúng để thể hiện sự tôn trọng đối với người khác. Các bài giảng về hành vi như vậy ít có ích cho con người; đây là những trải nghiệm mà chúng ta phải có từ khi còn nhỏ.

Trẻ em được giới thiệu với các giáo cụ trong môi trường Montessori theo một trình tự có trật tự và logic. Trình tự của các tài liệu cho trẻ em trải nghiệm Định hướng trong nguyên nhân và hệ quả. Trẻ em mười tám tháng tuổi học được rằng, khi rửa tay, chúng phải làm ướt tay trước, sau đó mới dùng xà phòng, rửa sạch và lau khô bằng khăn chứ không theo cách khác. Từ sự tiến triển hợp lý trong các hoạt động của mình, chúng phát triển khả năng tư duy logic và có trật tự.

Việc hỗ trợ phát triển xu hướng tự nhiên của trẻ về Trật tự và Định hướng trong môi trường Montessori cho phép chúng cảm thấy tự tin hơn ở đó. Đây là nơi mà chúng có thể kiểm soát và do đó, chúng cảm thấy an toàn. Cảm giác an toàn này không chỉ là kết quả của việc có một người giáo viên yêu thương mà trẻ có thể dựa vào; đó là kết quả tự nhiên của việc trẻ ở trong một môi trường mà chúng có thể tin tưởng vào sức mạnh của chính mình. Đó là sự an toàn về mặt tâm lý, một phần do môi trường được thiết kế hợp lý tạo nên, giúp trẻ có động lực để cố gắng hơn nữa để đối mặt với những điều chưa biết, bao gồm cả những sự thật khó chịu của cuộc sống. Mục tiêu là giúp trẻ em sử dụng sức mạnh bản thân mình để đương đầu với những thất bại và thất vọng trong cuộc sống của chúng mà không bị hủy hoại bởi chúng.

Montessori today: a comprehensive approach to education from birth to adulthood / by Paula Polk Lillard.  – Ukiyo team lược dịch

Bài viết khác

Tuyển Sinh