Đó là một người phụ nữ vĩ đại, Ellen Key, người đã tiên tri rằng thế kỷ XX sẽ là thế kỷ của trẻ. [5] Vào cuối thế kỷ XIX, một kỷ nguyên mới của khoa học tích cực đã bắt đầu: Vấn đề vệ sinh và tâm lý được đưa vào trường học, trẻ em được nghiên cứu từ những góc độ mới, và trong số những kết luận quan trọng được đưa ra đó là sự khám phá rằng trẻ em là nạn nhân của bất hạnh và phải chịu đựng đau khổ do việc mình làm theo nhiều cách khác nhau. Vậy mà hành động mang tính chất xây dựng lẽ ra phải nảy ra từ phong trào này để giúp đỡ trẻ em vẫn chưa được thực hiện, mặc dù đã có các hoạt động không vị lợi để cải thiện nhà trường. Thật kỳ lạ, người ta vẫn chưa thực sự hiểu được tầm rộng khắp của vấn đề liên quan: những vấn nạn bị khoa học hiện đại phản đối được giải quyết bằng nhiều cách nhưng không tận gốc. Những nỗ lực đáng khen ngợi nhất đã được thực hiện để giảm bớt sự kiệt sức về tinh thần, các trường học ngoài trời có các trò chơi thử sức, giảm nhẹ các hình phạt và giảng dạy thú vị. Mọi người đoàn kết để xử lý tình huống, giáo viên kêu gọi phụ huynh, toàn thế giới quan tâm đến giáo dục khoa học - nhưng mọi người đều coi việc học ở trường, dù phương pháp giảng dạy có khoa học đến đâu, đều có nghĩa là phải gửi trẻ theo học một hệ thống mà theo đó trẻ sẽ phải chịu đựng, mặc dù tất nhiên đó là vì lợi ích của trẻ. Chúng ta có thực sự cần phải coi bất kỳ phương pháp giáo dục nào cũng đều liên quan đến chịu đựng khổ đau không? Có lẽ chúng ta, những nhà giáo dục cũng như các bậc cha mẹ, đang đi cùng nhau, được thúc giục bởi tình yêu thương, dọc theo một con đường khép kín không lối ra. Có lẽ chúng ta nên quay lại và thử đường khác. Có một giai thoại về một vị vua muốn cải cách vương quốc của mình. Ông ta đã mời các cố vấn của mình đến gặp, và một người khôn ngoan hơn những người khác đã nói, "Trước hết, Ngài phải cải tổ chính mình, Ngài và triều đình của Ngài." Tương tự như vậy, ngày nay vị trí của nhà thông thái được thay thế bởi trẻ, bởi vì trẻ là người chủ động trong vấn đề này. Không thể giải quyết những vấn nạn nghiêm trọng bằng cách xoa dịu một sai lầm tập thể. Hãy lấy trường hợp giải phóng phụ nữ: vấn đề không phải là trao thêm cho phụ nữ một vài quyền, mà là thừa nhận một nhân cách mạnh mẽ của con người, có khả năng đóng góp lớn lao và hiển nhiên cho sự tiến bộ của nhân loại. Về vấn đề mang tính xã hội liên quan đến trẻ, những sai lầm là do lỗi lầm căn nguyên. Đó là vấn đề về cải cách những người cải cách: tất cả chúng ta đều cần được thay đổi. Ta là người lớn và trẻ phụ thuộc vào ta; những đau khổ của trẻ do ta gây ra mặc dù ta có ý tốt. Nếu do lỗi của ta mà xảy ra những vấn nạn này, thì khi đó cần phải cải cách thái độ của người lớn. Ví dụ, hiện tại, ta tin rằng cần phải tác động để đứa trẻ trở thành một con người thông thái, một công dân hữu ích và có một trí tuệ có giáo dục. Ta nghĩ rằng ta phải là người nhào nặn trẻ, rằng không có ta thì trẻ không thể phát triển. Ta cảm thấy gánh nặng trách nhiệm và bị thuyết phục rằng - những người lớn chúng ta - ta phải tạo ra tính cách của đứa trẻ. Với ta, vấn đề đơn thuần chỉ là tìm cách để đạt được điều này, bằng cả con đường dễ dàng hay khó khăn. Nhưng vấn đề căn nguyên không được bàn tới, sự thật là vấn đề đó thường không được nhận ra, do đó, người lớn cần nhận thức rằng không phải lúc nào mình cũng thành công trong những gì mình cố gắng làm. Người lớn phải thay đổi thái độ của mình. Chúng ta, là những người lớn, phải đóng một vai trò mới – ta phải hiểu rằng ta chỉ cản trở thay vì giúp đỡ trẻ nếu ta cố gắng nhào nặn trẻ một cách trực tiếp. Người lớn và trẻ em làm việc theo các cách hoàn toàn khác nhau. Người lớn cải tạo môi trường và biến đổi nó cho phù hợp với bản thân theo những mục đích nhất định tuỳ quan điểm. Trẻ làm việc để trở thành một con người; nhờ một sức mạnh bên trong thúc giục trẻ hoạt động liên tục mà trẻ đạt được các đặc điểm trưởng thành của mình từng chút một. Hiện nay, ta không hề biết đến trạng thái tự khởi phát này: đứa trẻ cố gắng làm việc không ngừng. Nếu trước đây ta không nhìn nhận trẻ như vậy, đó là bởi vì ta đặt các chướng ngại vật trên con đường của trẻ. Những chướng ngại vật này thuộc hai loại: (1) Đứa trẻ, người yếu ớt so với người lớn và có năng lượng kiến tạo mạnh mẽ, cần môi trường riêng của mình, và ta chỉ cung cấp cho trẻ môi trường của người lớn, nơi không có gì tương thích với kích thước của trẻ. (2) Đứa trẻ tội nghiệp này phải chiến đấu với người lớn, người mà không hiểu công việc mà trẻ đang bận rộn và mỗi bước đều cản trở trẻ. Chúng ta không thể nói rằng một môi trường thích hợp cho đứa trẻ là ở trong trường học nơi mà trẻ bị buộc phải ngồi yên khi trẻ đang tràn đầy vận động thể chất; nhà cũng không phải là môi trường của trẻ, nơi trẻ liên tục nghe thấy, “đến đây, đi đi, đừng chạm vào”, v.v. Vì vậy, xung đột xảy ra ở nhà cũng nhiều như ở trường học và với giáo viên cũng nhiều như với cha mẹ. Chúng ta tràn đầy tình yêu và chủ nghĩa vị kỷ vô thức; có những thiếu sót vô thức trong hành vi của chúng ta. Hãy dành một phút cùng nhìn vào một ngôi trường được gọi là Ngôi nhà của Trẻ em thực sự, nơi trẻ em là chủ nhân của ngôi nhà.[6] Ta phải nhớ sự khác biệt nhỏ nhưng sâu sắc này khi bước vào căn phòng mà trẻ đang làm việc. Những đứa trẻ này không bị đối xử như ở các trường học khác, nơi mà ta bắt đầu bằng cách kiểm tra xem trẻ được dạy như thế nào, trẻ có hiểu không và chúng có kỷ luật hay không. Ngược lại, ta phải học một thứ khác, điều cần thiết và cơ bản, điều mà chúng ta nên học từ ngày đầu tiên: cách tôn trọng đứa trẻ. Bạn có thể nói rằng bạn biết cách tôn trọng trẻ, và điều đó có lẽ đúng nhưng trên phương diện đạo đức và lý thuyết. Ý tôi là theo nghĩa đen: trẻ em phải được tôn trọng như những nhân vật mang tính xã hội của loài người thuộc hàng đầu. Ví dụ, chúng tôi nghĩ việc vào lớp học nói với bọn trẻ rằng: “Con đang làm gì vậy?” hoặc "Tại sao con làm điều đó?" Rất thường xuyên là đứa trẻ không thể nói cho ta biết. Việc đặt câu hỏi đột ngột này không phải là một dấu hiệu của sự tôn trọng. Ta làm vậy vì ta nghĩ rằng tính cách của đứa trẻ ở một cấp độ thấp hơn. Ở đây ta đã nhầm lẫn. Ta đối xử với trẻ em như đồ vật, sắp xếp trẻ, đặt trẻ ở đây và ở kia, và buộc trẻ phải hòa nhập vào thế giới của ta mà không cần cân nhắc một chút đến cuộc sống mà trẻ đang sống trong một thế giới của riêng trẻ. Để tạo ra một môi trường phù hợp cho trẻ, bài học đầu tiên của ta là hãy đứng yên. Chúng tôi nói điều này với các giáo viên đang được đào tạo, những người bước vào Ngôi nhà của trẻ em. “Hãy đứng yên, im lặng, và đừng nói một lời nào với bọn trẻ, đừng gây ồn ào. Ở đây bọn trẻ đang ở trong thế giới riêng của chúng, bạn phải quan sát đơn giản bằng cách nhìn, bạn không được mong muốn đánh giá, sửa sai hay dạy dỗ. Chỉ bằng cách này, bạn mới có thể tham gia vào tinh thần và công việc của người thầy. ” Những người nói rằng nhiệm vụ của ta là giữ cho trẻ vâng lời mù quáng, rằng ta có quyền sửa lỗi, và hệ quả là đứa trẻ sẽ trở nên thông minh, ngoan ngoãn và có giáo dục, là đang tự lừa dối mình. Trẻ phản ứng với cách đối xử này bằng cách tự vệ, chẳng hạn như trẻ trở nên rụt rè và lười biếng vì không được phép hành động, trẻ nói dối để cứu mình khỏi sự trừng phạt, trẻ trở nên thất thường và khó chịu vì trẻ bị can thiệp và không được phép có cơ hội để tập trung. Người lớn sửa sai ngày càng nhiều, và cuộc chiến đầu tiên bắt đầu: giữa đứa trẻ và người lớn. Nhưng ngay sau khi người lớn không còn áp bức trẻ, trẻ đã thể hiện một tính cách khác, những đặc điểm sâu xa của một sinh linh. Chúng ta được nhìn thấy những phẩm chất chắc chắn chưa từng được biết đến, đến nỗi chúng được gọi là điều kỳ diệu, và bất chấp điều đó, một hành động tiêu cực đã được thực hiện: điều này có nghĩa là tích cực cho môi trường, nhưng tiêu cực cho người lớn. Ví dụ, đứa trẻ bắt đầu làm việc kéo dài, và từ nhỏ nhen và ích kỷ, trẻ trở nên tràn đầy năng lượng, và sự hào phóng của trẻ là đáng chú ý. Thật là thích thú khi được xem trẻ làm việc hăng say như thế nào khi được trao cho tự do, và khi được trao cho những đồ vật phù hợp để thỏa mãn mong muốn hoạt động của mình. Tôi đã quan sát trẻ làm việc trong nhiều năm và đã cung cấp cho trẻ một thế giới mới trong trường học dành cho hoạt động của trẻ. Trong môi trường học đường của mình, trẻ tìm thấy những đồ vật mà trẻ có thể cầm nắm dễ dàng, những chiếc ghế và bàn nhỏ mà trẻ có thể tự xoay sở, những học cụ thỏa mãn sự thôi thúc bên trong của trẻ để chủ động làm việc và tự trẻ dạy chính mình. Trong nhà, môi trường lý tưởng cho trẻ cũng nên chứa đồ đạc có kích thước phù hợp với trẻ và đồ dùng mà trẻ có thể tự mình xoay sở. Điều này chưa hiện có ở mọi gia đình, nhưng ít nhất người lớn có thể cung cấp cho trẻ một môi trường tinh thần phù hợp. Người lớn không được can thiệp, không được làm thay trẻ. Đưa trẻ phương tiện và để trẻ hành động: tự do của trẻ bao gồm điều này. Đối với mỗi giáo viên và mỗi phụ huynh, điều tôi mong muốn không phải là sự dạy bảo cao siêu, mà là sự khiêm tốn và giản dị trong cách cư xử với trẻ nhỏ. Cuộc sống của trẻ rất tươi mới, không có sự ganh đua hay tham vọng bên ngoài, trẻ chỉ cần rất ít để khiến trẻ hạnh phúc, để trẻ làm việc theo cách riêng của mình để hướng tới sự phát triển bình thường của những con người trưởng thành mà trẻ sẽ trở thành. Ân huệ tuyệt vời mà ta có thể ban cho tuổi ấu thơ là rèn luyện khả năng kiềm chế trong bản thân ta. [4] Bài báo này đã được đăng trên tạp chí The Saturday Review ngày 19 tháng 12 năm 1931. [5] Ellen Key (1849-1926) là một nhà văn nữ quyền người Thụy Điển về các chủ đề trong cuộc sống gia đình, đạo đức và giáo dục, và được biết đến nhiều nhất với cuốn sách về giáo dục được dịch sang tiếng Anh năm 1909 với tên gọi Thế kỷ của Trẻ em. Ngoài việc là người ủng hộ nhiệt thành quyền bầu cử của phụ nữ, bà còn là người sớm ủng hộ cách tiếp cận lấy trẻ em làm trung tâm trong giáo dục và nuôi dạy con cái. [6] Ngôi nhà của trẻ em trong Montessori dành cho trẻ em từ 3 đến 6 tuổi. Thuật ngữ tiếng Ý, Casa dei bambini, được đặt ra bởi người bạn của Montessori, Olga Lodi, một nhà báo, người khi bước vào trường học đầu tiên của Montessori ở quận San Lorenzo ở Rome, đã thốt lên: “ Nhưng đây không phải là trường học, đây là ngôi nhà của trẻ em ”. |