CON BẠN CÓ CÔNG VIỆC CỦA RIÊNG MINH

Ngày nay các bậc cha mẹ minh triết đã từ bỏ những quan niệm lạc hậu cho rằng trẻ em là những chiếc bình rỗng cần người lớn làm đầy bằng thông tin và kiểu cách cư xử. Họ đã biết rằng bản thân trẻ góp phần quan trọng trong sự phát triển của chính mình, rằng họ phải nghiên cứu những nhu cầu cụ thể của trẻ nếu họ dự định chuẩn bị cho trẻ theo cách tốt nhất có thể cho cuộc sống trưởng thành.

Ngày nay các bậc cha mẹ minh triết đã từ bỏ những quan niệm lạc hậu cho rằng trẻ em là những chiếc bình rỗng cần người lớn làm đầy bằng thông tin và kiểu cách cư xử. Họ đã biết rằng bản thân trẻ góp phần quan trọng trong sự phát triển của chính mình, rằng họ phải nghiên cứu những nhu cầu cụ thể của trẻ nếu họ dự định chuẩn bị cho trẻ theo cách tốt nhất có thể cho cuộc sống trưởng thành.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều nhầm lẫn về bản chất đúng đắn của những đóng góp mà người lớn và trẻ em góp phần trong công cuộc dạy và học của hai bên. Chúng ta nghe nói nhiều về “hoạt động tự khởi phát” của trẻ nhỏ, và được bảo rằng trẻ nên được phép vận dụng hoạt động này ở mức tối đa để cho sự phát triển của trẻ diễn ra tự nhiên và trọn vẹn.

Nghe qua thì điều này có vẻ tuyệt vời, nhưng việc đồng tình với một lý thuyết như vậy trước khi ta hiểu rõ hoạt động tự khởi phát là gì tiềm ẩn nguy cơ cao. Thực ra những từ ngữ này thường được dùng để chỉ cả hai hình thức hoạt động hoàn toàn khác nhau.

Ví dụ, một đứa trẻ cực kỳ nhạy cảm với những tác động bên ngoài và không ngừng phản ứng lại bằng những vận động lơ đãng thường được coi là sở hữu nhiều hoạt động tự khởi phát.

Mặt khác, một đứa trẻ cố định mối quan tâm vào một đồ vật trong môi trường của mình, thường là trong một khoảng thời gian kéo dài. Em chạm vào nó, xoay, lật nó, tạo ra mối tương quan giữa nó với những đồ vật khác, và hoàn toàn không bị quấy rầy nếu một người lớn xen vào đưa một đồ vật khác gây sự chú ý với em, cho đến khi em khai thác mọi mặt của món đồ mà em đang quan tâm. Đứa trẻ này cũng được cho là sở hữu hoạt động tự khởi phát.

Ta sẽ thấy được ngay rằng hai loại hoạt động này rất khác nhau. Khi một đứa trẻ nhanh chóng phản ứng với những náo động bên ngoài, em bị ảnh hưởng bởi bất kỳ cơn gió nào thổi qua, em lơ đãng và phụ thuộc.

Hoạt động của đứa trẻ thứ hai thì không lơ đãng mà mang tính kiến tạo. Em không cần sự tác động của người lớn để ra chỉ thị cho hoạt động của em; một môi trường tĩnh lặng, phù hợp với những mối quan tâm theo độ tuổi của em và sự tự do để hành động theo sự thôi thúc của nhu cầu nội tại trong em là đủ. Đứa trẻ này có hoạt động tự khởi phát đích thực, sự phát triển của em bộc lộ từ bên trong thông qua những hoạt động được thực hiện có chủ đích với những đồ vật trong môi trường của em. Em vừa là người dạy vừa là người học, tự trui rèn cho chính mình sự trưởng thành về mặt trí tuệ và tính tự lập.

Hoạt động tự khởi phát đích thực này tồn tại bên trong mỗi đứa trẻ bình thường. Chúng ta có thể phá hỏng nó bằng việc kích thích quá mức hoặc bỏ đói. Nếu chúng ta áp đặt các nhiệm vụ và kỷ luật chẳng liên quan gì đến cấp độ và nhu cầu phát triển của trẻ, hoặc nếu ta tước đoạt những đồ vật giản đơn dành cho trẻ luyện tập hoạt động của mình, chúng ta đang mạo hiểm biến sự tự lập tự nhiên thành không tự nhiên, hoạt động tự khởi phát đích thực thành vận động lơ đãng, và đứa trẻ đang phát triển tự nhiên trở thành một sinh linh bất mãn không có công việc thực sự của riêng mình.

Chương 10, sách Maria Montessori Nói với Phụ huynh

Người dịch: Nhà giáo Minh Thư - giáo viên độ tuổi 3-6 tuổi, trường Mầm non Ukiyo

Bài viết khác

Tuyển Sinh