Thật dễ dàng khi để tình yêu thương của ta làm ta mù quáng trong cách hành xử với con cái. Ý tôi không phải là theo nghĩa đen - một người mẹ thiếu hiểu biết hoặc ngốc nghếch khi bế con lên mỗi khi em khóc từ đó tập cho em thói quen khóc lóc để được quan tâm – mà là theo một cách khác tinh vi hơn và không thể ngờ đến.
Ví dụ như khi trẻ chồm tới một vài đồ vật thu hút sự chú ý của trẻ và ta đưa nó cho trẻ, trẻ đánh rơi nó và rồi khóc đòi lại. Tình yêu thương của ta thường khiến ta làm vậy nhưng khi trẻ đánh rơi đồ vật hai ba lần thì sự kiên nhẫn của ta cạn kiệt và ta đem đồ vật đó đi chỗ khác. Ta nói trẻ “quấy”, “cố tình đòi hỏi”, “thằng bé không được phép cư xử như thế này không thì lớn lên sẽ cứng đầu và bốc đồng”, và vậy là thậm chí khi mới còn trong nôi, tình yêu thương của ta vẫn đang sắp đặt cho trẻ một tính cách của trẻ sau này, ta xem tính cách như là một thứ phải uốn nắn bằng việc chỉnh sửa và kỷ luật.
Nhưng hãy dành một khắc nghĩ về em bé nhỏ xíu ấy một lần nữa. Em vươn người tới chiếc lục lạc của em, mẹ giữ nó cho em, những ngón tay bé nhỏ khép lại vòng quanh món đồ sau đó các ngón tay lại mở ra và món đồ rơi xuống. Em muốn có lại nó, những ngón tay lại khép và mở. Hãy quan sát em, quên đi rằng em chỉ đang nhặt lên và đánh rơi cái lục lạc một cách chán ngắt – đó là quan điểm của bạn – hãy xem em đang quan sát những ngón tay bé nhỏ của chính mình, xem em quan tâm đến chúng như thế nào.
Em đang phát triển những cơ bắp của mình. Nếu bạn quan sát em cẩn thận, có thể bạn sẽ thấy những ngón tay nhỏ xíu mở ra từng ngón một thay vì tất cả cùng lúc – đó là một bước tiến dài. Dần dần em trở nên làm chủ những ngón tay của mình, em cười vui vì em làm rơi lục lạc và bạn kiên nhẫn nhặt nó lên cho em. Không có sự nghịch ngợm nào nơi em cả, em không cần kỷ luật bên ngoài, chẳng bao lâu em sẽ từ bỏ công việc này theo ý mình và tiếp đến có thể những ngón chân nhỏ của em sẽ trở thành điều thú vị nhất trên đời đối với em.
Có rất nhiều bà mẹ yêu thương con cái hết mực, nhưng họ chưa học cách yêu thương sáng suốt. Sau tất cả, không có gì đáng ngạc nhiên khi chỉ mới một vài năm trở lại đây các nhà nghiên cứu giáo dục mới bắt đầu hiểu ra rằng trẻ nhỏ có một động lực tự khởi phát từ bên trong khiến trẻ vươn ra ngoài thế giới vật chất xung quanh, theo cùng một cách thức với cách trẻ luyện tập các cơ bắp của mình lặp đi lặp lại và do đó đạt được sự phát triển.
Điều cực kỳ quan trọng là ta nên hiểu rằng đứa trẻ phát triển bản thân theo cách thức tự khởi phát. Ta rất nóng lòng để giúp đỡ, có vẻ như đối với ta sự tăng trưởng và phát triển (của trẻ - ND) là gánh nặng khủng khiếp nên ta phải làm tất cả những gì có thể để lộ trình trở nên dễ dàng. Và vì vậy tình yêu của ta có thể dễ dàng bộc phát quá mức và bằng cách đưa ra quá nhiều lời thúc giục, quá nhiều cảnh báo và chỉnh sửa, đẩy đứa trẻ khỏi con đường phát triển tự nhiên của mình và khiến năng lượng của trẻ bị chuyển hướng khiến nó dội trở lại chính mình, dẫn đến nhiều chứng bệnh về tâm thần, sợ hãi, lười biếng, tinh quái và một loạt các đặc điểm không mong muốn khác mà lẽ ra có thể dễ dàng tránh được.
Ta cố gắng loại bỏ những biểu hiện khó ưa này bằng cách sửa chữa nhiều hơn nữa, cố gắng hơn bao giờ hết để ép cá tính của đứa trẻ bé nhỏ theo những đường lối mà ta tin rằng trẻ nên theo để tốt cho trẻ. Và thay vì mang lại kết quả mà ta mong ước đầy thiết tha và trìu mến, ta lại khiến đứa trẻ ngày càng rút sâu vào chính mình, trẻ khó chịu và khóc lóc thất thường như thể trẻ thích nổi cơn ăn vạ để đòi quyền lợi cho chính mình. Trên thực tế, không có gì phi tự nhiên hơn sự gắt gỏng ở một đứa trẻ có sức khỏe thể chất tốt. Một đứa trẻ đang phát triển tự nhiên thì cần phải bận rộn không ngừng một cách vui vẻ, nếu trẻ có trong tay những đồ vật nhỏ bé hấp dẫn để trẻ có thể tự mình thao tác.
Tôi đã xây dựng nên phương pháp giáo dục của mình dựa trên nguyên lý phát triển của trẻ thông qua việc thao tác với các đồ vật hấp dẫn. Trong hơn ba mươi năm, tôi đã làm việc với trẻ nhỏ và thông qua việc theo dõi sự phát triển của trẻ, tôi đã cung cấp công cụ cho việc học của trẻ. Và trong số tất cả trải nghiệm này, có một điều nổi bật lên trên tất cả những điều khác mang tầm quan trọng hàng đầu.
Ta có thể yêu thương con cái của mình đến mức khiến ta mù quáng không biết điều gì là tốt nhất cho con. Ta có thể tha thiết mong muốn con sẽ trở thành những người trưởng thành tốt đẹp đến mức ta chỉnh sửa và làm cho trẻ thất vọng mọi lúc mà không một lần nhận ra rằng trẻ có trong mình sức mạnh phát triển của chính trẻ.
Ta không thể thấy rằng một đứa trẻ thích thú và chủ động thực hiện những ý định và hành động nho nhỏ của chính mình, đó là trẻ đang xây dựng sức mạnh ý chí và khả năng tự chủ. Khi một đứa trẻ cố gắng tạo ra các kiểu mẫu với các khối (đá hoặc gỗ - ND) của mình một cách không mệt mỏi chỉ đơn giản là vì trẻ thích thú, không cần đến kỷ luật bên ngoài, đứa trẻ đang tự kỷ luật mình.
Xin đừng nhầm khi tôi nói rằng tình yêu thương khiến rất nhiều người trong chúng ta bắt lỗi không cần thiết. Tôi không có ý nói rằng bạn không bao giờ được chỉnh sửa con cái của bạn, mà tôi nói rằng việc nói 'không được' kém hiệu quả hơn nhiều - thực sự là nói vậy thường có hại rõ ràng vì khiến trẻ nhỏ sợ hãi hoặc oán giận – chi bằng cung cấp cho trẻ một số hoạt động tuỳ chọn mà trẻ có thể làm việc một cách vui vẻ, quên đi tất cả những hoạt động hoặc hành vi trước đây mà bạn đã lo lắng bảo trẻ dừng lại.
Nhưng trong khi bạn lo lắng để hỗ trợ sự phát triển của trẻ, đừng cực đoan và cố gắng giúp đỡ trẻ quá nhiều. Động lực khởi phát hướng đến sự phát triển, có bên trong đứa trẻ, quyết định nhịp độ của chính nó. Vai trò của cha mẹ sáng suốt và yêu thương là túc trực, dõi theo các hoạt động của con nhỏ, quan sát sự phát triển của con hơn là cố gắng ép buộc. Người mẹ chỉ nên giúp đỡ khi cần thiết.
Ta rất hay nghĩ rằng một đứa trẻ cũng giống như là sáp (ong – ND). Ta tin rằng tương lai trở thành một công dân xứng đáng của trẻ nằm trong tay ta, rằng ta phải gia công sáp, ép nó thành hình dạng mà ta mong muốn, khi nó còn mềm và dẻo. Đúng là tâm trí của trẻ giống như sáp, cũng giống như các cơ của trẻ có thể biến đổi theo lộ trình phát triển của chúng bằng các bài luyện tập được thiết kế chuyên biệt.
Nhưng – hoàn toàn tương đồng - nếu ta can thiệp vào sự tăng trưởng và phát triển bình thường của cơ bắp của trẻ, ta dễ dàng phá hủy sự phát triển thể chất của trẻ. Do đó, nếu ta can thiệp và cố gắng hướng trí thông minh và sự phát triển tâm thần của trẻ ra khỏi lộ trình phát triển bình thường của nó, ta có thể làm biến dạng tính cách theo những cách tinh vi.
Nếu ta sáng suốt, ta sẽ hoà quyện sự hiểu biết với tình yêu thương của ta. Thật là phi thường khi đứa trẻ nhỏ bé non nớt này dũng cảm bảo vệ nguyên lý nội tại của sự trưởng thành của mình trước những điều kiện bất lợi. Không còn cách nào khác trẻ đang dùng năng lượng quý giá để làm như vậy. Nếu ta cản trở trẻ, trẻ sẽ chống lại ta, nếu ta không sáng suốt trong tình yêu thương của mình, ta sẽ tự đặt mình vào phe đối lập. Nhưng nếu ta sáng suốt, ta quan sát sự phát triển của trẻ với sự hiểu biết, ta có được sự tin cậy của trẻ, và ta chia sẻ niềm vui trọn vẹn trong tuổi thơ hạnh phúc của trẻ.
Trích sách Montessori nói với Phụ huynh