Nếu bạn đã từng học thêm một Ngoại ngữ bất kỳ ngoài tiếng Mẹ đẻ, bạn sẽ thấy việc biết thêm một Ngôn ngữ khó khăn đến mức nào để thành thạo. Có người cả đời "tầm sư học đạo" hết khóa này đến khóa khác, hết trung tâm này đến thầy cô khác, nhưng kết quả vẫn chỉ ở trình độ tương đương đứa trẻ bản xứ vừa biết nói thậm chí còn tệ hơn ở kỹ năng nghe.
Tiếng Việt được xếp vào một trong những ngôn ngữ khó học nhất (FSI Language Difficulty Ranking), nhưng bạn có thấy một đứa bé 6 tuổi bình thường nào sử dụng tiếng Việt không thành thạo? Nó có cần trung tâm, giáo trình, hay giảng viên đào tạo không?
Tất cả những gì trẻ cần chỉ là một môi trường để trẻ có thể lắng nghe, quan sát khẩu hình, cử chỉ người nói và những thứ xung quanh để trẻ có thể liên kết và hình thành các định nghĩa - khái niệm trừu tượng.
Những em nhỏ sinh ra và được nuôi dưỡng trong môi trường đa ngôn ngữ cũng hoàn toàn dễ dàng thông thạo 2 thậm chí là nhiều hơn (trẻ em Malaysia có thể thành thạo 3 ngôn ngữ từ nhỏ).
Hoàn toàn không có khái niệm “giới hạn” cho trẻ trong giai đoạn này.
Làm thế nào để đứa trẻ có thể học một cách dễ dàng một ngôn ngữ như vậy?
Ngay cả khi người lớn bắt chước môi trường trẻ lớn lên để cố gắng học ngôn ngữ như trẻ cũng không thể thành công.
Đây là một trong những mối quan tâm lớn nhất của cả khoa học và triết học - đặc biệt là triết học Đông phương khi các giáo sĩ sử dụng học thuyết về tiền kiếp để lý giải cho khả năng học phi thường của những đứa trẻ:
" Những người phương Đông, đặc biệt trong Ấn Độ giáo, luôn nỗ lực tìm cách giải thích hiện tượng huyền diệu này, bằng niềm tin vào hiện tượng tái sinh; họ khẳng định rằng mỗi cá nhân đã trải qua rất nhiều kiếp người, từ đó ta tích lũy sự uyên bác và kinh nghiệm của các tiền kiếp và tổ tiên. Bằng không thì họ không thể nào lý giải nổi, vì họ cho rằng chỉ trong một thời gian rất ngắn, việc trẻ có thể hấp thu một lượng kiến thức khổng lồ như vậy chính là quả ngọt của các nền văn minh trong tiền kiếp.
Họ nói rằng: “Trẻ sở hữu một linh hồn già cỗi, linh hồn ấy đã được tái sinh hàng vạn lần. Do đó không có điều gì là mới mẻ đối với trẻ.” Thật ra trong văn hóa phương Đông hiện tượng mà tôi gọi là "Tâm trí Thấm hút" đã trở thành nguồn cảm hứng để nghiên cứu và thiền định sâu sắc hơn trong văn hóa phương Tây. " - Trích sách Tâm trí Thấm hút (the Absorbent Mind - M. Montessori)
Tại Ukiyo, môi trường song ngữ được xây dựng để trẻ có thể tiếp xúc, thực hành và hấp thu cả tiếng Anh và Việt một cách hoàn toàn tự nhiên mà không cần nỗ lực. Người lớn trong môi trường chỉ cần đảm bảo nguyên tắc nhất quán: Một người lớn – Một ngôn ngữ để tránh gây xáo trộn tư duy trẻ và giữ vai trò là hình mẫu để trẻ có thể học hỏi.
Năng lực học của trẻ 0-6 tuổi đến nay vẫn là điều bí ẩn - bí ẩn tuổi thơ (the secret of childhood)
Càng làm việc với trẻ con nhiều, ta càng kinh ngạc trước năng lực hấp thu gần như vô hạn của những trí tuệ non nớt ấy.
Hình ảnh hoạt động